Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, trung bình tăng 15% – 27% ca mắc mỗi năm. Đặc biệt, 85% trong số đó gặp tình trạng viêm âm đạo. Điều đáng lo ngại là không chỉ những phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục cũng có thể mắc căn bệnh này.
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng của niêm mạc âm đạo, đôi khi có viêm âm hộ. Triệu chứng bao gồm ra khí hư, kích ứng, ngứa, và ban đỏ. Thông thường, bệnh được chẩn đoán thông qua xét nghiệm dịch tiết âm đạo.
Viêm âm đạo là triệu chứng bình thường ở những phụ nữ mắc bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách hoặc không điều trị sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: ung thư cổ tử cung, viêm tắc vòi trứng, vô sinh…
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm âm đạo
Viêm âm đạo gây chảy dịch âm đạo, cần phải được phân biệt với các chất tiết bình thường. Khí hư âm đạo bình thường có màu trắng sữa hoặc nhày, không mùi, và không gây kích ứng; nó có thể dẫn đến tình trạng ẩm ướt âm đạo làm ẩm đồ lót.
Khí hư do viêm âm đạo đi kèm với ngứa, ban đỏ, và đôi khi cảm giác bỏng, đau, hoặc chảy máu nhẹ. Ngứa có thể ảnh hưởng giấc ngủ. Tiểu khó hoặc đau khi quan hệ có thể xảy ra. Trong viêm teo âm đạo, khí hư rất ít, triệu chứng đau khi quan hệ đau thường gặp, và tổ chức âm đạo mỏng và khô. Mặc dù các triệu chứng thay đổi theo từng loại viêm âm đạo cá biệt, có nhiều triệu chứng chồng chéo lên nhau.
Các nguyên nhân phổ biến nhất của viêm âm đạo
Ở mỗi độ tuổi lại có những nguyên nhân khác nhau gây viêm âm đạo, cụ thể:
Trẻ em
Ở trẻ em, viêm âm đạo thường liên quan đến hệ vi khuẩn ở đường tiêu hóa (viêm âm hộ âm đạo không đặc hiệu). Một yếu tố góp phần thường gặp ở các bé gái từ 2 đến 6 tuổi là vệ sinh vùng tầng sinh môn không đúng cách (lau từ sau ra phía trước sau khi đi ngoài, không rửa tay sau khi đi ngoài…).
Ngoài ra, với trẻ em còn có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Hóa chất tạo bọt trong bồn tắm hoặc xà phòng có thể gây viêm.
- Vật thể lạ (ví dụ khăn giấy) có thể gây ra viêm âm đạo không đặc hiệu với biểu hiện khí hư lẫn máu.
- Đôi khi viêm âm hộ âm đạo ở trẻ em là do nhiễm một mầm bệnh cụ thể (như Streptococci, Staphylococci, Candida sp; đôi khi là giun kim).
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Ở những phụ nữ này, viêm âm đạo thường do nhiễm trùng. Các loại phổ biến nhất là:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Viêm âm đạo Candida
- Viêm âm đạo trichomonal, lây truyền qua đường tình dục
Thông thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Lactobacillus sp là thành phần chủ yếu của hệ vi sinh vật bình thường của âm đạo. Các vi khuẩn có lợi này giữ cho pH âm đạo trong phạm vi bình thường (3,8 đến 4,5), do đó ngăn ngừa sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, nồng độ cao estrogen giúp duy trì độ dày âm đạo, đẩy mạnh phòng ngừa tại chỗ.
Các yếu tố có xu hướng tăng quá mức các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn âm đạo có thể bao gồm:
- pH âm đạo kiềm hoá do máu kinh nguyệt, tinh dịch, hoặc giảm lợi khuẩn lactobacilli
- Vệ sinh không sạch sẽ hoặc không đúng cách
- Thụt rửa thường xuyên
- Viêm âm đạo có thể do các vật thể lạ (ví dụ như nút vệ sinh bị quên)
- Viêm âm đạo đơn thuần, không nhiễm khuẩn, là không thường gặp.
Phụ nữ sau mãn kinh
Ở phụ nữ sau mãn kinh, việc giảm đáng kể estrogen thường là nguyên nhân khiến thành âm đạo mỏng đi, tăng khả năng bị nhiễm trùng và viêm. Một số phương pháp điều trị (phẫu thuật cắt buồng trứng, chiếu xạ vùng chậu, một số loại thuốc hóa chất) cũng dẫn đến việc mất estrogen. Giảm estrogen dẫn đến viêm âm đạo (đặc biệt là thể teo).
Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến độ pH âm đạo kiềm hơn, có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh âm đạo.
Vệ sinh kém (ví dụ ở những bệnh nhân không tự chủ hoặc nằm lâu) có thể dẫn đến viêm âm hộ kinh niên do kích ứng hóa học từ nước tiểu hoặc phân hoặc do nhiễm trùng không đặc hiệu.
Nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn, viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do trichomonal thường không phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh nhưng có thể xảy ra ở những người có các yếu tố nguy cơ cao.
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi
Ở bất kỳ độ tuổi nào, các tình trạng dẫn đến nhiễm trùng âm đạo hoặc âm hộ bao gồm:
- Đường thông giữa ruột và đường sinh dục, cho phép hệ vi sinh vật đường ruột gieo mầm bệnh vào hệ sinh dục
- Chiếu xạ vùng chậu hoặc các khối u, làm phá vỡ các mô và do đó làm ảnh hưởng đến các cơ chế tự bảo vệ bình thường của người bệnh
- Viêm âm hộ không nhiễm trùng chiếm tới 30% trường hợp viêm âm hộ âm đạo. Nó có thể là hậu quả của phản ứng quá mẫn hoặc kích ứng đối với thuốc rửa vệ sinh hoặc nước hoa, băng vệ sinh, xà phòng giặt, thuốc tẩy, chất làm mềm vải, thuốc nhuộm vải, sợi tổng hợp, nước tắm, khăn vệ sinh, hoặc thỉnh thoảng, chất diệt tinh trùng, chất bôi trơn âm đạo hoặc kem, bao cao su latex, vòng hoặc màng tránh thai âm đạo.
Phòng & điều trị viêm vùng kín đúng cách, an toàn
Quá trình điều trị viêm âm đạo không quá khó khăn. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn từ bác sĩ sản khoa. Ngoài ra, bạn còn cần chú ý sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vệ sinh vùng kín đúng cách:
- Tắm rửa thường xuyên (đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt). Vệ sinh âm hộ hàng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đại tiện và quan hệ tình dục. Nên sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ 2 lần/ngày.
- Luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch. Không sử dụng khăn, vật lạ đưa sâu vào trong âm đạo để vệ sinh. Tránh mặc quần chật, bó sát. Thường xuyên thay quần lót để đảm bảo vùng kín luôn khô thoáng, sạch sẽ.
- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng. Thay băng vệ sinh mỗi 4-5 tiếng 1 lần.
- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.
- Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch… để tắm rửa
- Lựa chọn sản phẩm dung dịch vệ sinh vùng kín an toàn, nhẹ dịu, không làm khô da, không gây tích lũy kích ứng, đồng thời chống ngứa, kháng khuẩn, khử mùi, cân bằng pH âm đạo.
Đa số chị em khi bị bệnh thường có tâm lý e ngại, dù có biểu hiện ban đầu nhưng vẫn cố chịu, tự điều trị chứ không đi khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, bạn hãy để ý đến “cô bé” của mình để đi khám ngay khi có triệu chứng nhé.