Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân chủ yếu gây nên ung thư cổ tử cung là virus HPV. Do đó, việc tầm soát và tiêm phòng HPV là rất cần thiết.
Virus HPV (Human Papillomavirus) là gì?
HPV (Human papilloma virus) là một loại virus gây u nhú ở người. Đây là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến trên thế giới. Có đến 11-12% dân số thế giới (tương đương 700-800 triệu người) hiện đang nhiễm HPV ở cả nam và nữ. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8 -11% tùy vùng miền. Có ít nhất 50% phụ nữ đã nhiễm HPV 1 lần trong đời. Một số loại có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như mụn sinh dục và ung thư. Nhưng có những loại vắc-xin có thể ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe này.
Có bao nhiêu chủng HPV?
Có hơn 100 chủng vi rút HPV, hầu hết đều vô hại với người nhiễm. Trong đó, có hơn 40 chủng HPV lây truyền qua đường tình dục, được chia thành 2 nhóm chính:
- Tuýp HPV nguy cơ thấp gồm: 6, 11, 40, 42, 43, 44, 53, 54, 61, 72, 73 và 81. Các loại HPV 6 và 11 có liên quan đến khoảng 90% trường hợp mụn cóc sinh dục.
- Tuýp HPV nguy cơ cao gồm: 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 và 68. Trong đó, HPV 16 và 18 là nguy hiểm nhất, vì chúng gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, ung thư hầu họng.
Ước tính tỷ lệ nguyên nhân của các bệnh lý ung thư này có liên quan đến HPV như sau:
- Ung thư cổ tử cung: 99,7%
- Ung thư hậu môn: >90%
- Ung thư dương vật: 60%
- Ung thư hầu họng: 60-70%
- Ung thư âm hộ, ung thư âm đạo: ~70%
Virus HPV có nguy hiểm không?
Vi rút HPV nguy hiểm vì hầu hết các trường hợp nhiễm HPV là không có triệu chứng và biểu hiện lâm sàng vì thế rất khó để biết được bản thân có đang nhiễm hay không và đôi khi vô tình người nhiễm sẽ lây HPV cho bạn tình hoặc vợ/ chồng của mình.
Bệnh nhân cho dù chỉ có quan hệ tình dục chung thủy với một người thì vẫn có thể bị lây nhiễm loại virus này. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh có thể biểu hiện sau khi bị lây nhiễm virus này nhiều năm làm cho khó có thể xác định chính xác bạn đã bị lây nhiễm từ khi nào.
Trong phần lớn các trường hợp, sau lây nhiễm bệnh có thể tự khỏi và không gây vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Nhưng trong các trường hợp không tự khỏi được, virus này gây nên một số vấn đề về sức khỏe như mụn cóc ở cơ quan sinh dục và ung thư cơ quan sinh dục.
Bệnh mụn cóc ở cơ quan sinh dục thường có biểu hiện là một mụn cóc hay nhiều mụn cóc ở vùng cơ quan sinh dục. Kích thước mụn cóc cơ thể to nhỏ khác nhau, có thể phẳng hoặc nổi gồ lên trên bề mặt da, hoặc có thể có hình dạng như rau súp lơ.
Ung thư có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị nhiễm HPV nhiều năm đến vài chục năm. Hiện chưa biết được khi nào những người bị nhiễm HPV có thể tiến triển đến bệnh ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Phương thức lây truyền của virus HPV
Virus HPV có thể lây truyền cho bất cứ ai từng quan hệ tình dục qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể truyền vi rút HPV.
Dùng bao cao su là cách tốt nhất phòng bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục nhưng không thể che hết bề mặt da xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn nên không bảo vệ hoàn toàn khỏi HPV.
Ngoài ra, HPV có thể lây qua tiếp xúc qua da-niêm mạc có trầy xước, tiếp xúc với các vật dụng có chứa dịch tiết của cơ thể như dùng chung đồ lót, tiếp xúc với tổn thương (vết loét, chảy máu)…
HPV không liên quan đến HIV (vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người và gây ra bệnh AIDS) cũng như HP (Helicobacter Pylori – một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người).
Cách phòng tránh virus HPV
Có một số các biện pháp có thể giúp hạn chế các nguy cơ này:
- Tiêm vaccine: vaccine HPV rất an toàn và có hiệu quả phòng bệnh. Tiêm vaccine cho các đối tượng nam nữ trong nhóm tuổi khuyến cáo tiêm phòng giúp cho đối tượng này đề kháng với các bệnh gây ra bởi virus HPV. Liệu trình tiêm vaccine này gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng. Tiêm đủ liệu trình là rất quan trọng để đạt được hiệu quả phòng bệnh.
- Định kỳ sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung: Định kỳ sàng lọc cho phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65 có thể giúp phòng chống ung thư cổ tử cung.
- Sử dụng bao cao su đúng cách mọi lúc có quan hệ; điều này giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV.
- Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.
Những ai nên tiêm phòng vaccine HPV?
Tất cả nam nữ trong độ tuổi 11 đến 12 tuổi nên tiêm phòng vaccine HPV. Vaccine này có thể tiêm cho nam giới đến độ tuổi 21 và nữ giới đến độ tuổi 26, nếu như họ chưa tiêm phòng trước đó.
Vaccine HPV cũng được khuyến cáo sử dụng cho các đối tượng đồng tính luyến ái nam đến độ tuổi 26, các đối tượng nam và nữ bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người nhiễm HIV/AIDS) đến độ tuổi 26, nếu các đối tượng này chưa tiêm vaccine đầy đủ trước đó.
Nhiều người quan niệm rằng đã quan hệ tình dục, hoặc đã nhiễm virus HPV không cần tiêm vaccine nữa. Thực tế, virus HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vaccine vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác. Hiện tại, hiệu quả vaccine đến 99% phòng nhiễm bốn tuýp HPV nguy hiểm nhất.
Làm sao có thể phát hiện được bạn có bị nhiễm HPV hay không?
Hiện tại chưa có xét nghiệm nào có thể giúp phát hiện ai đó có bị nhiễm virus HPV hay không. Cũng chưa có xét nghiệm nào được chấp nhận phát hiện HPV ở miệng và họng. Chỉ có các xét nghiệm giúp phát hiện HPV trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Các test này không được khuyến cáo sử dụng cho nam giới, trẻ vị thành niên, hay phụ nữ dưới 30 tuổi.
Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm HPV không biết rằng liệu mình có bị nhiễm HPV không. Một số phát hiện bị nhiễm HPV khi xuất hiện các mụn cóc ở cơ quan sinh dục. Phụ nữ có thể phát hiện bị nhiễm HPV khi làm xét nghiệm PAP trong quá trình sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung. Những người khác chỉ biết mình bị nhiễm HPV khi phát hiện các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do HPV như ung thư.
Nếu bạn đang có thai và lại bị nhiễm HPV, bạn có thể có biểu hiện mụn cóc ở cơ quan sinh dục hoặc các dạng tế bào bất thường ở cổ tử cung. Bạn vẫn nên sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay cả khi bạn đang có thai
Có thể chữa được khi bị nhiễm HPV và các bệnh do HPV gây nên không?
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus HPV. Tuy nhiên, một số liệu pháp được dùng điều trị các bệnh gây ra bởi HPV:
- Bệnh mụn cóc: các phương pháp vật lý (đốt laser, hoặc đốt điện, áp lạnh) và các thuốc bôi tại chỗ, nhưng dễ tái phát, chưa có biện pháp nào triệt hoàn toàn tận gốc. Nếu không được điều trị, các mụn cóc có thể tự biến mất, có thể giữ nguyên, hoặc có thể phát triển cả về số lượng và kích cỡ.
- Bệnh ung thư cổ tử cung: có thể điều trị được. Những phụ nữ định kỳ làm xét nghiệm Pap có thể phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.
- Các ung thư khác: có thể điều trị được khi được chẩn đoán và phát hiện sớm.