Để cơ thể hoạt động khỏe mạnh, cần có hệ thống nội tiết để tiết ra các hormone. Nội tiết tố bị rối loạn sẽ gây ra nhiều loại bệnh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Rối loạn nội tiết tố có khả năng xảy ra ở cả nam và nữ trong bất kỳ lứa tuổi nào.
Rối loạn nội tiết tố là gì?
Nội tiết tố (hormone) là các hóa chất được sản xuất ra trong hệ nội tiết. Các tuyến nội tiết là các tế bào chuyên sản xuất, lưu trữ và giải phóng hormone vào máu. Có nhiều tuyến nội tiết nằm rải rác khắp cơ thể kiểm soát các cơ quan khác nhau như: Tuyến tùng, tuyến yên, tuyến dưới đồi, tuyến thượng thận, tuyến giáp và tuyến cận giáp, tuyến sinh dục (tinh hoàn và buồng trứng).
Hormone sẽ di chuyển theo dòng máu đến các tế bào và cơ quan, phát tín hiệu hoạt động cho các cơ quan. Hormone giúp điều hòa các hoạt động quan trọng của cơ thể như: Nhịp tim, thân nhiệt, chu kỳ giấc ngủ, tâm trạng và mức độ căng thẳng, sự tăng trưởng và phát triển cơ thể, chu kỳ sinh sản và chức năng sinh dục, quá trình chuyển hóa và cảm giác thèm ăn.
Rối loạn nội tiết tố hay còn gọi là rối loạn hormone, xảy ra khi có quá nhiều hoặc quá ít hormone trong máu. Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng hormone insulin, steroid, hormone tăng trưởng và adrenaline. Mặt khác, phụ nữ có thể gặp phải sự mất cân bằng estrogen và progesterone, trong khi đàn ông có thể trải qua sự mất cân bằng testosterone.
Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết
Các thói quen trong lối sống sinh hoạt hàng ngày và yếu tố môi trường có thể tác động đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Các nguyên nhân thường gặp chính là: Thừa cân, chán ăn, hóa trị và xạ trị, căng thẳng kéo dài, uống thuốc tránh thai, lạm dụng thuốc steroid đồng hóa, chế độ ăn uống và dinh dưỡng kém, tiếp xúc với các chất độc tố, chất ô nhiễm và hóa chất gây rối loạn nội tiết như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
Một số tình trạng bệnh lý cũng dẫn đến rối loạn nội tiết tố như:
- Tiểu đường tuýp 1 và 2
- Khối u trong tuyến yên
- Bướu cổ do thiếu i ốt
- Viêm tụy di truyền
- Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Tăng đường huyết (sản xuất glucagon quá mức)
- Hạ đường huyết (nhiều insulin hơn glucose trong máu)
- Sản xuất quá mức hoặc sản xuất thiếu hormone tuyến cận giáp
- Hội chứng Cushing (nồng độ hormone cortisol cao)
- Bệnh Addison (nồng độ cortisol và aldosterone thấp)
- Khối u lành tính và u nang ảnh hưởng đến tuyến nội tiết
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (nồng độ cortisol thấp)
- Phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng
- Hội chứng Turner (ở nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X hoạt động)
- Hội chứng Prader-Willi (một căn bệnh rối loạn hiếm gặp dẫn đến một số vấn đề về thể chất, tâm thần và hành vi ở trẻ)
Các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố
Do đặc điểm giới tính nên nam và nữ giới sẽ có những nguyên nhân và dấu hiệu rối loạn nội tiết tố không giống nhau.
- Rối loạn nội tiết tố nữ
Phụ nữ sẽ trải qua một số giai đoạn mất cân bằng nội tiết tố tự nhiên trong suốt cuộc đời như ở các mốc thời gian như: Dậy thì, hành kinh, tiền mãn kinh và mãn kinh, mang thai, sinh nở và cho con bú. Ngoài ra, rối loạn nội tiết tố ở nữ còn do một số bệnh lý: Ung thư buồng trứng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng sớm…
Dấu hiệu rối loạn nội tiết nữ đặc trưng thường là: Khó tiêu, tăng cân, vô sinh, khô âm đạo, ngực căng, sung, tóc dễ gãy rụng, giọng nói trầm hơn, táo bón hoặc tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, xương trở nên yếu, giòn; bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều về đêm; xuất huyết âm đạo không phải do hành kinh; mụn trứng cá nhiều trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt; lông mọc bất thường trên mặt, cổ, ngực hoặc lưng.
- Rối loạn nội tiết tố nam
Nam giới cũng trải qua giai đoạn mất cân bằng nội tiết tố tự nhiên trong suốt cuộc đời như khi bước vào độ tuổi dậy thì hoặc trong suốt quá trình trưởng thành.
Đàn ông có các cơ quan và chu kỳ nội tiết khác với phụ nữ nên sự rối loạn nội tiết tố nam cũng khác biệt. Nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết ở nam giới thường là do ung thư tuyến tiền liệt hoặc suy chức năng tuyến sinh dục nam do hormone testosterone thấp.
Các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố nam thường là: Căng ngực, loãng xương, rối loạn cương dương, mô vú phát triển quá mức, giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng tinh trùng, giảm khối lượng cơ bắp, giảm sự phát triển của lông trên cơ thể…
Cách điều trị rối loạn hormone
Bạn có thể dùng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng các liệu pháp tự nhiên để kiểm soát tình trạng rối loạn nội tiết tố. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Đối với nữ giới
Kiểm soát nội tiết tố hoặc kiểm soát sinh sản: dùng thuốc tránh thai dưới dạng thuốc viên, thuốc tiêm, miếng dán tránh thai hay vòng tránh thai…
Sử dụng estrogen đường âm đạo: bôi kem chứa estrogen/viên đặt estrogen trực tiếp lên các mô âm đạo để giảm triệu chứng khô âm đạo.
Thuốc thay thế hormone: giảm tạm thời các triệu chứng nghiêm trọng liên quan đến mãn kinh như: bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi về đêm.
Clomiphene (Clomid) và letrozole (Femara): giúp kích thích rụng trứng ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang muốn có con.
- Đối với nam giới
Thuốc testosterone: Gel và miếng dán có chứa testosterone có thể giúp giảm các triệu chứng của suy tuyến sinh dục nam như nồng độ testosterone thấp do dậy thì muộn.
Bênh cạnh đó, việc thay đổi lối sống sinh hoạt cũng có thể có tác dụng làm giảm triệu chứng rối loạn hormone:
- Ăn uống khoa học: Bạn cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân bằng để duy trì cân nặng ổn định hợp lý, hạn chế món cay nóng, đường, đồ ăn liền…
- Giảm căng thẳng: Bạn nên sắp xếp lại lịch làm việc và dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi năng lượng.
- Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập yoga hoặc thiền nhẹ nhàng sẽ giúp bạn không chỉ khỏe khoắn mà còn giúp da và tóc khỏe đẹp hơn.
- Vệ sinh cá nhân tốt: Vệ sinh sạch sẽ là điều vô cùng cần thiết, nhất là ở những khu vực có nhiều dầu tự nhiên như mặt, cổ, lưng và ngực.
Rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là ở nữ giới, luôn là nỗi lo lắng của rất nhiều người. Nếu biết cách điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt kết hợp một số biện pháp điều trị, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại sự cân bằng cho cơ thể.