Cổ tử cung nằm ở đâu? Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Bài viết quan tâm, Bệnh lý tử cung, cổ tử cung

Cổ tử cung là một bộ phận nhỏ trong hệ thống sinh sản của người phụ nữ, nó đóng vai trò như là một cây cầu nối giữa âm đạo và phần thân tử cung và còn là đường mà kinh nguyệt được đưa ra ngoài theo chu kỳ hằng tháng.

Vị trí của Cổ tử cung

Vị trí của cổ tử cung là phần sau của tử cung dạng như miệng cá đường kính từ 2-4cm nối tiếp âm đạo với tử cung, có thành dày màu hồng nhạt và rất chắc với một lỗ mở rất nhỏ ở trung tâm. Cổ tử cung là nơi quan trọng để phòng ngừa các mầm bệnh lây từ âm đạo vào tử cung.

Cấu tạo của Cổ tử cung

Cấu tạo cổ tử cung chỉ là một lỗ khá nhỏ, kích thước có khả năng thay đổi theo giai đoạn nhất định của cơ thể như trong một số ngày rụng trứng, có kinh nguyệt hoặc trong sinh nở kích cỡ của cổ tử cung sẽ giãn rộng hơn so với kích thước trung bình từ 2 -10mm. 

Lỗ cổ tử cung chia tử cung làm 2 phần: phần trên âm đạo và phần nằm trong âm đạo và hai phần đó được xem như cổ trong và cổ ngoài tử cung. Cổ ngoài được lợp bởi biểu mô lát tầng không sừng hóa, còn cổ trong lợp bởi biểu mô trụ đơn. Biểu mô lát tầng gồm nhiều lớp:

  • Lớp đáy gồm các tế bào hình khối vuông, nhân bầu dục và có trục vuông góc với màng đáy. 
  • Lớp cận đáy với các tế bào bầu dục hoặc đa diện, giữa các tế bào có các cầu nối liên bào. 
  • Lớp vảy (Malpighi) gồm 6-12 hàng tế bào sáng, bào tương nhiều và cầu nối liên bào rõ rệt. 
  • Lớp bề mặt gồm các tế bào dẹt, nhân nhỏ. Biểu mô trụ đơn: gồm một hàng tế bào hình trụ cao, nhân nằm cực đáy và bào tương chứa nhiều chất nhầy

Chức năng của Cổ tử cung

Chức năng cổ tử cung là đưa máu ra ngoài, cản trở các vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, giúp trứng gặp tinh trùng.

Không chỉ thế, cổ tử cung cũng nắm giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ thể phái nữ. Cổ tử cung là cấu trúc đảm nhiệm chức năng sản xuất dịch nhầy để tạo cơ hội thuận lợi cho giai đoạn kết hợp, giúp tinh trùng có thể dễ dàng vận động vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng cũng như thụ thai.

Ngoài ra, bộ phận này còn có vai trò bảo vệ sự phát triển thông thường của thai nhi trong bụng mẹ, ngăn chặn tạp khuẩn có hại gây tác động tới thai nhi. Đối với những trường hợp sinh thường, cổ tử cung có khả năng tự giãn nở chiều dài để thai nhi có thể chào đời

Ung thư cổ tử cung – căn bệnh ung thư nguy hiểm thứ 2 của phụ nữ

Ung thư cổ tử cung là gì?

Sự phát triển bất thường của các tế bào tại cổ tử cung được xác định là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư cổ tử cung.

Do một số nguyên nhân mà các tế bào tại vị trí này phát triển quá mạnh, vượt kiểm soát, tạo nên các khối u. Sau khi được hình thành, các khối u sẽ có sự phát triển mạnh mẽ rồi lan rộng, gây ảnh hưởng, xâm lấn và di căn tới nhiều cơ quan xung quanh, chẳng hạn: trực tràng, âm đạo, thậm chí có thể tới cả các cơ quan xa hơn như gan, phổi,…

Tổ chức Y tế đã đưa ra thống kê đáng lo ngại là hàng năm, tỷ lệ phụ nữ tử vong do bệnh chiếm tới khoảng 50% tổng số những người mắc, đặc biệt tại các nước nghèo và đang phát triển.

Nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung

Theo nghiên cứu, hầu hết những người mắc bệnh có nguyên nhân là do nhiễm loại virus HPV, đặc biệt các type nguy cơ cao như 16 và 18. Các đối tượng phụ nữ trong tuổi sinh sản, có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm virus này ít nhất một lần trong đời. 

Cũng theo các thống kê và nghiên cứu, những người thuộc một trong các trường hợp sau sẽ có tỷ lệ mắc cao hơn, đó là:

  • Có sử dụng thuốc lá.
  • Có đời sống tình dục phức tạp: quan hệ sớm, quan hệ với nhiều đối tượng, thường xuyên quan hệ không an toàn.
  • Từng sinh nở nhiều lần hoặc sinh con sớm (dưới 17 tuổi).
  • Bị các bệnh liên quan tới bộ phận này hoặc bệnh lây qua đường tình dục dạng mạn tính.
  • Khả năng miễn dịch của cơ thể bị yếu, suy giảm.
  • Có thời gian dài sử dụng thuốc tránh thai.

Ung thư cổ tử cung có dấu hiệu gì?

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình cho bệnh ung thư cổ tử cung:

Máu âm đạo ra bất thường

Hiện tượng chảy máu âm đạo nếu không phải do nguyên nhân đến kỳ kinh nguyệt thì đều có thể là bất thường. Trong đó, các biểu hiện cụ thể bao gồm:

  • Thời điểm chảy máu: sau khi quan hệ tình dục (không phải lần đầu), giữa các kỳ kinh hoặc sau mãn kinh.
  • Lượng máu: nhiều hơn bình thường hoặc kéo dài hơn.

Bất thường ở dịch tiết âm đạo

Đây được xem là một trong những dấu hiệu sớm, với các đặc điểm: dịch tiết trở nên hôi, tanh hoặc chuyển màu nâu, có thể lẫn ít máu.

Quan hệ tình dục bị đau

Mà trước đó không gặp hiện tượng này. Nếu gặp phải dấu hiệu này, đây cũng là dấu hiệu không bình thường, cần chú ý.

Đau tại vùng chậu

Một số nguyên nhân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có thể dẫn tới hiện tượng này như: nằm, ngồi sai tư thế. Song, khi hiện tượng đau không xuất phát từ các nguyên nhân kể trên, có thể là triệu chứng bệnh. Vị trí đau có thể là vùng giữa xương chậu hay gần ruột thừa, là hậu quả của việc khối u di căn và chèn ép các cơ quan ở đây. 

Chân bị phù

Mà không tìm thấy các nguyên nhân khác. Lúc này, có thể là do các tế bào ung thư đã di căn tới hạch bạch huyết rồi gây hiện tượng chèn ép các đường dẫn ở đây.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác có thể kể đến như: sụt cân mà không có lý do cụ thể, mệt mỏi chán ăn, rối loạn đại – tiểu tiện,… Cùng với đau vùng chậu hay phù chân, các dấu hiệu này đều là sự cảnh báo ung thư đã tới giai đoạn nguy hiểm, có thể là mối đe dọa cho tính mạng của người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

Chủ động tiêm ngừa virus HPV

Không chỉ là ung thư cổ tử cung, HPV còn là nguyên nhân của rất nhiều bệnh khác ở đường sinh dục, chẳng hạn: Ung thư âm đạo, hậu môn, dương vật,… Vắc xin ngừa virus HPV là biện pháp phòng ngừa rất hiệu quả.

Human Papilloma Virus vaccine with syringe and vial n laboratory background.

Thực hiện tầm soát định kỳ phụ khoa

Có thể nói dù rất hiệu quả song vắc xin không thể thay thế cho việc tầm soát định kỳ đối với vùng phụ khoa. Điều này sẽ giúp cho bạn có thể phát hiện bệnh khi chúng đang ở giai đoạn mới chớm để nâng cao hiệu quả điều trị.

Phương pháp tầm soát phổ biến nhất là Thinprep và xét nghiệm HPV. Trong đó, phụ nữ độ tuổi từ 21 tới 29 được khuyến cáo tầm soát 3 năm/lần đối với Thinprep hoặc HPV. Độ tuổi từ 30 tới 64 có thể thực hiện đồng thời cả hai trong thời gian 5 năm/lần.

Ngoài ra, bất cứ lúc nào thấy có xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn có thể đến bệnh viện để thực hiện việc tầm soát.

Thực hiện lành mạnh, an toàn trong sinh hoạt

Bao gồm hoạt động ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và duy trì đời sống tình dục an toàn.

Hàng ngày, nên bổ sung trong bữa ăn của mình các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C, E, các chất chống oxy hóa. Đồng thời, duy trì các hoạt động luyện tập thể dục thể thao phù hợp với bản thân.

Duy trì sự an toàn trong đời sống tình dục: chung thủy trong quan hệ, sử dụng bao cao su, hạn chế việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp,…

Có thể nói, đối với ung thư cổ tử cung, cách phòng ngừa hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện là tiêm vắc xin và định kỳ thực hiện xét nghiệm tầm soát. Việc tiêm vắc xin và tầm soát có thể thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, chất lượng.