Viêm nhiễm phụ khoa là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những chị em đã quan hệ tình dục và đang trong độ tuổi sinh sản. Nếu phát hiện sớm, viêm phụ khoa có thể dễ dàng khắc phục bằng những phương pháp đơn giản. Do vậy mà việc nắm rõ các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa là rất quan trọng và cần thiết.
Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa hiện nay được chia thành nhiều loại. Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp những dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa của một số bệnh thường gặp nhất mà các chị em cần biết để chủ động hơn trong việc phòng ngừa và đẩy lùi bệnh.
Viêm âm đạo
Các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa của bệnh viêm âm đạo thường dễ rất nhận biết. Tuy nhiên viêm âm đạo cũng có rất nhiều loại, nếu nhầm lẫn giữa các triệu chứng có thể gây khó khăn trong quá trình khắc phục.
Hình ảnh cho thấy sự khác biệt giữa âm đạo bình thường và viêm âm đạo
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Nguyên nhân: Do nhóm vi trùng kỵ khí phát triển quá mức lấn át các lợi khuẩn gây mất cân bằng hệ vi khuẩn thường trú trong âm đạo.
Dấu hiệu:
- Khí hư có màu trắng hoặc xám, mỏng và có mùi hôi tanh.
- Dấu hiệu này càng nặng hơn sau quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo do nấm
Nguyên nhân: Chủ yếu do nấm Candida có thể có sẵn trong âm đạo gây nên. Theo thống kê, có đến 75% phụ nữ từng mắc ít nhất 1 lần trong đời viêm âm đạo do nấm và 45% trong số đó bị tái nhiễm.
Dấu hiệu:
- Âm đạo tiết dịch đặc, có thể có mùi hoặc không.
- Ngứa ngáy ở vùng kín.
- Một số người sẽ cảm thấy đau sau khi đi tiểu, trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo do trùng roi
Nguyên nhân: Do trùng roi Trichomonas vaginalis sống trong vùng kín gây nên.
Dấu hiệu:
- Khí hư màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi.
- Âm đạo và âm hộ ngứa, đau rát.
- Đau buốt khi đi tiểu.
- Khó chịu ở bụng dưới.
- Đau sau khi quan hệ.
Viêm âm đạo do Chlamydia
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên
Dấu hiệu: Đa số bệnh lý này không có dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên một số người sẽ có các biểu hiện sau đây:
- Khí hư bất thường, mùi lạ.
- Tiểu đau, tiểu ra mủ, đi tiểu nhiều lần.
Viêm cổ tử cung
Thông thường, viêm cổ tử cung không có dấu hiệu rõ rệt như viêm âm đạo. Đa phần chị em chỉ vô tình phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám do bị các bệnh khác.
Đi tiểu đau, đau khi giao hợp là một số dấu hiệu của viêm cổ tử cung
Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh viêm cổ tử cung như sau:
- Dịch tiết âm đạo nhiều bất thường, có màu vàng và mùi hôi.
- Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau
- Đau khi giao hợp
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ (không liên quan đến kinh nguyệt)
Nguyên nhân chủ yếu của viêm cổ tử cung là quan hệ tình dục không an toàn. Một số nguyên nhân khác bao gồm: mất cân bằng vi khuẩn, mất cân bằng hormone, dị ứng với các hóa chất tẩy rửa.
Viêm lộ tuyến tử cung
Viêm lộ tuyến tử cung là một căn bệnh phổ biến và có thể biến chứng gây vô sinh nếu không khắc phục kịp thời. Vì vậy mà chị em cần nắm rõ các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa của căn bệnh này để khắc phục kịp thời.
Viêm lộ tuyến được chia ra làm 3 cấp độ với các dấu hiệu điển hình sau đây:
Viêm lộ tuyến tử cung độ 1:
- Khí hư ra nhiều bất thường dù không phải thời điểm trứng rụng
- Khí hư có màu sắc lạ như xanh, vàng hoặc trắng đục, kèm theo bọt và có mùi hôi tanh
- Ngứa vùng kín
Viêm lộ tuyến tử cung độ 2:
Ngoài những biểu hiện như ở cấp độ 1, vùng kín còn bị:
- Ngứa vùng kín, khí hư ra nhiều
- Âm hộ đau rát
- Ra máu khi quan hệ tình dục.
Viêm lộ tuyến tử cung độ 3
- Chảy máu khi quan hệ tình dục
- Xuất huyết âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt
- Đau quặn vùng bụng dưới
- Tiểu tiện khó, tiểu nhiều, tiểu buốt
- Giảm ham muốn
- Rối loạn kinh nguyệt, người mệt mỏi,…
Các nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung bao gồm: vệ sinh không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn, phá thai nhiều lần, rối loạn nội tiết tố,….
Viêm phần phụ
Phần phụ ở phụ nữ bao gồm vòi trứng, buồng trứng. Thông thường, viêm phần phụ khởi phát ở vòi trứng sau đó lan ra xung quanh.
Khi bị viêm phần phụ, chị em thường cảm thấy bị đau bụng dưới
Cấu dấu hiệu nhận biết gồm:
- Khí hư tiết bất thường, có màu vàng và mùi hôi
- Đau bụng dưới nhiều
- Có thể kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt, mệt mỏi
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phần phụ là do quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra, việc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, nạo phá thai, sinh đẻ nhiều cũng thể gây bệnh này.
Viêm nội mạc tử cung
Dấu hiệu nhận biết của viêm nội mạc tử cung là đau bụng dữ dội trước và trong thời kỳ hành kinh, đau khi giao hợp, đau buốt đường tiết niệu, người mệt mỏi… Trong nhiều trường hợp, những dấu hiệu này còn kèm theo dị ứng, thường xuyên bị viêm nhiễm âm đạo.
Viêm nội mạc tử cung thường xảy ra do một số thủ thuật can thiệp thủ thuật không đúng cách, không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, hậu phẫu, đặt vòng, lấy vòng,…
Trên đây là dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa một số bệnh lý phổ biến nhất. Dù dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa là khá điển hình và dễ nhận biết. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bị bệnh nhưng lại không có triệu chứng gì. Do vậy mà các chị em cần chủ động khám phụ khoa 6 tháng – 1 năm/lần để có thể kịp thời phát hiện bệnh (nếu có) và có phương pháp khắc phục phù hợp.
Để phòng ngừa bệnh, chị em cần vệ sinh vùng kín đúng cách với các dung dịch làm sạch chuyên biệt, có độ pH chuẩn 3,8 – 4,5 và có thành phần kháng khuẩn, chống nấm tốt như cúc la mã, nước hoa hồng, lô hội,…; quan hệ tình dục an toàn; hạn chế các tác nhân gây bệnh khác như nạo hút thai, mặc quần lót quá chật,…
Chúc các chị em luôn khỏe đẹp và tự tin!