Buồng trứng: Những điều bạn chưa biết!

Bệnh lý buồng trứng

Buồng trứng là một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ. Hiểu biết về vị trí, chức năng của buồng trứng, một số bệnh liên quan đến buồng trứng sẽ giúp phụ nữ biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân.

Buồng trứng nằm ở đâu?

Buồng trứng là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản nữ. Mỗi người phụ nữ có hai buồng trứng.

Buồng trứng có hình bầu dục, mỗi bên dài khoảng 4cm và nằm ở hai bên tử cung và dựa vào thành chậu trong một khu vực được gọi là hố buồng trứng. Mỗi buồng trứng được cố định tại chỗ bởi các lớp dây chằng gắn vào tử cung.

Chức năng của buồng trứng

Buồng trứng có hai chức năng sinh sản chính trong cơ thể:

  • Sản xuất tế bào trứng để thụ tinh.
  • Sản xuất 2 nội tiết tố sinh sản chính: estrogen và progesterone.

Chức năng của buồng trứng được kiểm soát bởi nội tiết tố mang tên gonadotrophin được giải phóng từ các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi (bên trong não). Từ vùng dưới đồi, sẽ kích thích đến tuyến yên tiết nội tiết tố “kích thích hoàng thể – LH” và “kích thích nang trứng”. Hai nội tiết tố này sẽ đi vào máu, tác động nhiều sự thay đổi bên trong cơ thể và cơ quan sinh sản. Kết quả hình thành chu kì kinh nguyệt.

Cả hai nội tiết tố đều quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt. Sản xuất estrogen chiếm ưu thế trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt trước khi rụng trứng và sản xuất progesterone chiếm ưu thế trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt khi hoàng thể hình thành. Cả hai hormone đều quan trọng trong việc chuẩn bị niêm mạc tử cung cho thai kỳ, cho phép cấy phôi vào niêm mạc tử cung.

Nếu việc thụ thai xảy ra trong bất kỳ chu kỳ kinh nguyệt nào, hoàng thể không mất khả năng hoạt động và tiếp tục tiết ra estrogen và progesterone. Điều này cho phép phôi được cấy vào niêm mạc tử cung và hình thành nhau thai. Tại thời điểm này, sự phát triển của thai nhi bắt đầu.

Quá trình rụng trứng

Trong buồng trứng, tất cả trứng ban đầu đều được bao bọc trong một lớp tế bào duy nhất được gọi là nang trứng. Theo thời gian, nang trứng bắt đầu trưởng thành để chuẩn bị phóng trứng ra khỏi buồng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Khi trứng trưởng thành, các tế bào trong nang nhanh chóng phân chia và nang trứng dần dần lớn lên.

Khi các nang trứng phát triển, chúng sản xuất hormone estrogen. Một khi trứng đã được phóng thích khi rụng trứng, nang trứng còn sót lại trong buồng trứng được gọi là hoàng thể.

Các giai đoạn phát triển của nang trứng

Hoàng thể sau đó giải phóng hormone progesterone (với số lượng cao hơn) và estrogen (với số lượng thấp hơn). Những hormone này sẽ kích thích làm dày niêm mạc tử cung chuẩn bị cho quá trình thụ thai (trong trường hợp trứng giải phòng và được thụ tinh). Nếu trứng được giải phóng không được thụ tinh thì mang thai không xảy ra. Hoàng thể sẽ bị teo đi và quá trình tiết ra estrogen và progesterone  sẽ dừng lại. Khi hai nội tiết tố này không còn tồn tại, niêm mạc tử cung bắt đầu rụng đi và được loại bỏ khỏi cơ thể – gọi là hành kinh. Sau khi phụ nữ hành kinh xong, một chu kỳ rụng trứng khác lại bắt đầu.

Các bệnh lý thường gặp ở buồng trứng

  1. Bệnh viêm buồng trứng

Viêm buồng trứng là bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh ở buồng trứng. Đây là tình trạng viêm nhiễm tại buồng trứng do niều nguyên nhân khác nhau gây ra như:

  • Nạo phá thai, sảy thai nhiều lần
  • Quan hê tình dục bừa bãi
  • Viêm nhiễm trong cơ quan sinh dục gây ra như viêm cổ tử cung, viêm nội mạc cổ tử cung…
  • Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách, thụt rửa âm đạo, dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp.

Dựa vào mức độ nặng nhẹ, tình trạng bệnh cụ thể mà viêm buồng trứng được chia làm 2 dạng: viêm buồng trứng cấp tính và viêm buồng trứng mạn tính.

Triệu chứng điển hình khi bị viêm buồng trứng là:

  • Người bệnh có cảm giác đau ở xương vùng chậu, ngực dưới bên phải và sườn.
  • Sốt, sưng hậu môn, toàn thân mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, khí hư ra nhiều có màu sắc và mùi khó chịu.

Bệnh viêm buồng trứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như dính buồng trứng, tắc nghẽn buồng trứng, gây áp-xe nghiêm trọng, từ đó dẫn tới vô sinh.

  1. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ. Một số dấu hiệu u nang buồng trứng như sau: Khí hư ra nhiều, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng, khó chịu, khó thở, đánh trống ngực.

U nang buồng trứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em phụ nữ.

  1. Buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 6 – 10% phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Buồng trứng đa nang thường xuất hiện và tuổi dậy thì nhưng cũng có thể xuất hiện vào tuổi từ 20 đến 25 với các triệu chứng như: Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh, tuyến lông phát triển mạnh ở chân, tay, ngực, bụng, mụn xuất hiện nhiều, rụng tóc, béo phì.

  1. Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ và phổ biến thứ hai đối với ung thư đường sinh dục ở phụ nữ. Đây  là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất cần thiết.

Ung thư buồng trứng có liên quan tới một số yếu tố như: Mang thai muộn hoặc mãn kinh muộn, xuất hiện kinh nguyệt sớm, không có con, tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh, bị lạc nội mạc tử cung, từng có tiền sử bị ung thư vú…

Ung thư buồng trứng hiếm khi xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như: Chướng bụng, đầy hơi, khó chịu; ăn uống khó tiêu, thường xuyên buồn nôn và nôn; thay đổi thói quen đại tiện; mất cảm giác ngon miệng; sụt cân nhanh chóng; đau lưng…

Các bệnh về buồng trứng đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Vì thế chị em cần thăm khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư buồng trứng sớm để kịp thời phát hiện bệnh. Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu, cơ hội sống sau 5 năm có thể đạt 90%.