Bệnh lây qua đường tình dục (STDs): Đừng chủ quan!

Bệnh lây qua đường tình dục STDs

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) do nhiều vi sinh vật khác nhau về kích thước, chu kỳ sống, triệu chứng và sự nhạy cảm với các phương pháp điều trị hiện có gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở người trong độ tuổi sinh sản, diễn biến âm thầm, khó điều trị, dễ tái phát. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, STDs sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho sức khỏe.

Bệnh lây qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases – STDs) là những bệnh mắc phải khi quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ qua cơ quan sinh dục, hậu môn và bằng miệng. Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng mang mầm bệnh có thể truyền từ người này sang người khác qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết khác của cơ thể. Bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở hoặc qua truyền máu hay dùng chung kim tiêm.

Hiện nay, các nhà khoa học ghi nhận được có khoảng 20 loại bệnh STDs. Bệnh có số lượng người nhiễm rất lớn, nhất là người trong độ tuổi sinh sản, khó điều trị khỏi hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.

Bệnh lây qua đường tình dục gây ảnh hướng đến sức khỏe sinh sản và tình cảm giữa các “đối tác”

Dấu hiệu khi mắc bệnh lây qua đường tình dục

Đặc điểm của các bệnh lây qua đường tình dục là không gây ra triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường không biết mình có bệnh và dễ lây lan cho người khác. Theo các chuyên gia, tùy vào loại bệnh, giai đoạn, tình trạng sức khỏe của từng người mà biểu hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể khác nhau.

Ở nam giới: Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục; tiểu khó, tiểu buốt; có vết loét, vết sưng hoặc phát ban ở trên hoặc xung quanh dương vật, tinh hoàn, hậu môn, mông, đùi, miệng…; tiết dịch bất thường hoặc chảy máu từ dương vật; sưng đau tinh hoàn; đau, sưng hạch bạch huyết, đặc biệt là ở bẹn, đôi khi lan rộng hơn.

Ở nữ giới: Đau rát, khó chịu khi quan hệ tình dục; tiểu khó, tiểu buốt; xuất hiện vết loét, sưng tấy hoặc phát ban ở khu vực âm đạo, quanh hậu môn, mông, đùi, miệng…; âm đạo tiết dịch bất thường hoặc chảy máu, có mùi bất thường; ngứa bên trong hoặc xung quanh âm đạo; sốt cao; đau bụng dưới

Nguyên nhân gây bệnh tình dục

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lây qua đường tình dục. Cụ thể như:

  • Vi khuẩn: Bệnh lậu, bệnh giang mai và bệnh Chlamydia là những ví dụ điển hình về bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn có khả năng sinh sản nhanh chóng và thải ra chất độc làm hư hỏng mô, tấn công cơ thể người bệnh.
  • Ký sinh trùng: Những sinh vật này sử dụng sinh vật sống khác để làm thức ăn và nơi trú ngụ. Chúng ta có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ thức ăn, nguồn nước bị ô nhiễm hoặc qua quan hệ tình dục…
  • Virus: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus gây ra bao gồm HPV, mụn rộp sinh dục và HIV. Virus là những vi trùng rất nhỏ, xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh, sử dụng các tế bào đó để nhân lên. Virus có thể giết chết, làm hỏng hoặc thay đổi cấu trúc tế bào và gây bệnh cho con người.

Các bệnh lây qua đường tình dục phổ biến

  • Các bệnh STDs do vi khuẩn bao gồm: Bệnh giang mai. Bệnh lậu, Hạ cam, Bệnh hột xoài, U lympho bướu cổ, Nhiễm Chlamydia, mycoplasmal, và ureaplasmal.
  • Các bệnh STDs do vi rút STD bao gồm: Mụn cóc sinh dục và hậu môn tràng, Herpes sinh dục, U mềm lây (gây ra bởi vi rút Molluscum contagiosum), HIV.
  • Nhiễm trùng ký sinh có thể lây truyền qua đường tình dục bao gồm: Trichomonas (gây ra bởi nguyên sinh vật), Bệnh ghẻ (do bọ ve gây ra), Pediculosis pubis (gây ra bởi lice).
  • Nhiều bệnh nhiễm trùng khác không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) – bao gồm bệnh do salmonella, bệnh do shigella, bệnh do campylobacter, bệnh do amip, bệnh do giardia, viêm gan (A, B, và C), và nhiễm cytomegalovirus – có thể lây truyền qua đường tình dục.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Việc quan hệ tình dục nhưng không dùng hoặc dùng bao cao su không đúng cách làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ tình dục bằng miệng có ít rủi ro hơn, nhưng vẫn có thể bị lây bệnh nếu có vết thương hở.
  • Có nhiều bạn tình: Người càng có quan hệ tình dục với nhiều người càng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tiếp xúc với nhiều nguồn nguy hiểm.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh tình dục: Các bệnh này rất dễ bị lây nhiễm và tái phát nhiều lần trong đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Lạm dụng rượu, thuốc kích thích: Việc sử dụng các chất này có thể ức chế khả năng phán đoán, khiến người ta sẵn sàng tham gia vào các hành vi tình dục có nguy cơ cao.
  • Dùng chung kim tiêm: Người thường dùng chung kim tiêm, vật dụng cá nhân của người khác rất dễ nhiễm bệnh bao gồm viêm gan B, viêm gan C và bệnh lây qua đường tình dục.
  • Người trẻ tuổi: Người có sinh hoạt tình dục càng sớm càng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Cụ thể như người trong độ tuổi từ 15- 24.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc sinh nở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, thậm chí có thể gây tử vong.

Biến chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ lây nhiễm, khó chữa khỏi, dễ tái phát và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như:

  • Gặp biến chứng thai kỳ: Phụ nữ mang thai có thể sảy thai, sinh non và truyền bệnh cho trẻ sơ sinh khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
  • Đau xương chậu mạn tính: Đau dữ dội, đau thành từng cơn, nặng nề sâu trong vùng chậu có thể do bệnh lây qua đường tình dục gây ra.
  • Bệnh về mắt: Các bệnh sùi mào gà, giang mai có thể gây bệnh cho nhãn cầu, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc, viêm thượng củng mạc… dẫn đến bệnh mắt mạn tính và dễ gây mù lòa.
  • Bệnh xương khớp: Một số loại vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, điển hình như lậu cầu, có thể gây viêm khớp, phân lập dịch khớp. Người bệnh sẽ có biểu hiện viêm khớp cấp tính, tràn dịch khớp, hạn chế vận động…
  • Bệnh tim mạch: Người nhiễm bệnh đường tình dục rất dễ mắc bệnh tim mạch do vi sinh vật đi vào máu và tấn công tim.
  • Vô sinh: Các bệnh lây qua đường sinh dục có thể làm tổn thương cơ quan sinh dục nam và nữ như: viêm tinh hoàn, viêm buồng tử cung, viêm tắc ống dẫn trứng… ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí là gây vô sinh.
  • Ung thư: Một số loại ung thư ở cổ tử cung, trực tràng, dương vật có liên quan đến virus HPV.

Cách điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục

Tùy thuộc vào loại bệnh lây truyền qua đường tình dục mắc phải mà người bệnh được khuyến nghị điều trị bằng nhiều hình thức khác nhau. Điển hình như:

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị bệnh lây nhiễm do nguyên nhân vi khuẩn như giang mai, lậu, trichomonas… Người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ và kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

Điều trị bằng thuốc kháng virus

Với các loại virus như HPV, người bệnh sẽ không được chỉ định dùng kháng sinh, mà dùng thuốc kháng virus. Khi dùng thuốc này, người bệnh vẫn có thể lây truyền bệnh cho người khác nên cần phải tuân thủ chỉ dẫn điều trị và cần được xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả.

Điều trị bằng thủ thuật, phẫu thuật

Một phương pháp khác để điều trị bệnh lây qua đường tình dục là dùng thủ thuật, phẫu thuật. Cụ thể, người bệnh có thể được đốt điện, áp nitơ lỏng, đốt bằng tia laser… các vùng da có virus để tiêu diệt mầm bệnh từ sâu bên trong.

Điều trị dự phòng cho bạn tình

Bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ tái phát, nhất là khi người bạn tình không được điều trị cùng lúc với người bệnh. Do đó, người bệnh nên thông báo với bạn tình về tình trạng bệnh để họ được kiểm tra, xét nghiệm. Đồng thời, họ cũng cần được điều trị đồng thời với người bệnh để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

Để phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, bạn hãy chủ động tiêm phòng HPV (đối với nữ), viêm gan A, viêm gan B; xét nghiệm tầm soát bệnh định kỳ 6 tháng/lần và quan trọng nhất là xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Giữ an toàn cho bản thân và đối tác là cách văn minh để có những mối quan hệ lành mạnh, lâu dài.