Khám phụ khoa định kỳ chính là cách chủ động bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Khám phụ khoa là gì?
Khám phụ khoa là danh mục khám chỉ dành cho nữ giới thông qua việc kiểm tra cơ quan sinh sản và sinh dục nữ để có được đánh giá cụ thể về sức khỏe sinh sản của họ. Qua thăm khám phụ khoa, nữ giới cũng có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, biết cách phòng tránh những bệnh phụ khoa nguy hiểm, bệnh lây nhiễm và có biện pháp tránh thai an toàn.
Các hạng mục thăm khám khi khám phụ khoa
Cơ quan sinh dục nữ gồm 2 phần chính là: cơ quan sinh dục bên trên và cơ quan sinh dục bên dưới. Vậy đi khám phụ khoa là khám những gì? Đó chính là khám tổng quát và khám chi tiết những cơ quan thuộc 2 phần này.
Ngoài ra, sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp để đánh giá tình trạng sức khỏe cơ quan sinh sản như: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch âm đạo, xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung,…
Các bước cơ bản của quá trình khám phụ khoa gồm:
– Khai thác tiền sử bệnh và triệu chứng gặp phải: Bác sĩ sẽ thăm hỏi các thông tin cá nhân, tiền sử bệnh lý, triệu chứng hiện tại mà bệnh nhân đang mắc phải để quyết định các bước cần thực hiện kế tiếp.
– Khám ngoài: Bác sĩ tiến hành quan sát và kiểm tra phía ngoài cơ quan sinh dục để tìm kiếm dấu hiệu bất thường.
– Khám trong (khám âm đạo): Bác sĩ dùng dụng cụ mỏ vịt để quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung để xem có vấn đề bất thường hay không và lấy mẫu dịch âm đạo (tế bào) nếu nghi ngờ về bệnh lý phụ khoa. Mặt khác, bác sĩ còn siêu âm đầu dò để kiểm tra cơ quan sinh dục (với phụ nữ đã có quan hệ tình dục) hoặc siêu âm vùng bụng (với phụ nữ chưa quan hệ tình dục) để khảo sát và đánh giá bên trong cơ quan sinh dục.
– Xét nghiệm dịch âm đạo: Đây là xét nghiệm có mặt trong hầu hết các buổi khám phụ khoa ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Thông qua xét nghiệm này bác sĩ sẽ xác định được bệnh viêm nhiễm phụ khoa do nấm, tạp khuẩn, trùng roi,… Dịch âm đạo thường được lấy khi khám mỏ vịt.
– Khám tử cung và hai phần phụ: Bác sĩ dùng tay khám trong âm đạo nhằm xác định vị trí và kích thước tử cung và hai phần phụ. Mặt khác, bác sĩ cũng sẽ siêu âm để xác định tình trạng, cấu trúc tử cung cũng như buồng trứng, ống dẫn trứng,… nhờ đó phát hiện ra các bệnh lý ở bộ phận này.
– Tư vấn kết quả xét nghiệm, biện pháp điều trị và hẹn tái khám
Khi đã có các thông tin từ việc thăm khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Nếu cần điều trị thì bác sĩ cũng sẽ tư vấn biện pháp phù hợp, hẹn lịch tái khám để kiểm tra kết quả điều trị.
Khi nào nên đi khám phụ khoa?
Với nhiều chị em, khám phụ khoa vẫn là cụm từ hay bị e ngại và né tránh mỗi khi được đề cập đến vì liên quan tới khu vực nhạy cảm của cơ thể. Trên thực tế, hiện nay tỷ lệ chị em mắc bệnh lý phụ khoa lên tới con số trên 90%, đáng báo động là các bệnh nguy hiểm liên quan tới ung thư và bệnh lý đường sinh dục đang gia tăng. Do đó, khi có những biểu hiện bất thường tại vùng kín đều cần thăm khám phụ khoa:
Kinh nguyệt bất thường
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của chị em là 28 ngày. Tuy nhiên, có chị em chu kỳ kinh nguyệt kéo dài có thể lên tới 35 ngày. Màu sắc của kinh nguyệt thường là màu đỏ thẫm.
Khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường hoặc xảy ra hiện tượng rong kinh, màu sắc kinh nguyệt đen, kinh nguyệt vón cục hoặc có mùi hôi thì cần đi thăm khám.
Khí hư bất thường
Khí hư bình thường hơi dai, có màu trắng hoặc hơi ngả màu vàng, không mùi hoặc hơi tanh. thông thường khí hư thường loãng hơn, xuất hiện nhiều khi quan hệ, vào thời điểm rụng trứng và thời điểm trước kỳ kinh nguyệt. Khí hư bất thường thường có một trong các biểu hiện sau đây:
- Khí hư có màu trong, trắng, loãng như nước và nhầy dính
- Khí hư dịch vàng, loãng như váng sữa
- Dịch âm đạo đặc, hôi và nhiều, có khi chuyển sang màu xanh
- Khí hư có màu nâu, đẫm máu kèm theo hiện tượng đau vùng chậu
Khi khí hư bất thường, cần đến các đơn vị y tế uy tín thăm khám phụ khoa để phát hiện những bệnh lý kịp thời điều trị.
Ngứa rát vùng kín
Ngứa rát vùng kín là biểu hiện cho thấy vùng kín của bạn đang gặp vấn đề viêm nhiễm. Cần hạn chế tối đa tác động lực, vệ sinh sạch sẽ vùng kín và uống đủ nước. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần đi kiểm tra phụ khoa.
Đi tiểu buốt, tiểu máu
Khi tình trạng tiểu buốt kéo dài hoặc xuất hiện tiểu máu, bạn cần đi thăm khăm phụ khoa ngay, vì đây có thể là biểu hiện của u xơ cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung và các bệnh lý khác liên quan tới đường tiết niệu.
Khi không có bất thường có cần đi khám phụ khoa không?
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, việc khám phụ khoa cần được thực hiện định kỳ 3 – 6 tháng/ lần khi đã có quan hệ tình dục. Đặc biệt, 3 mốc thời điểm “vàng” chị em nhất định cần đi khám phụ khoa:
- Chuẩn bị kết hôn. Vợ chồng nên đi thăm khám tiền hôn nhân để biết chính xác tình hình sức khỏe sinh sản của nhau. Từ đó xây dựng kế hoạch sinh con phù hợp
- Trước khi có ý định mang thai. Chị em nhất định phải thăm khám để chắc chắn không mắc các bệnh lý phụ khoa. Bệnh lý phụ khoa của mẹ có thể gây nên những nguy hiểm và rủi ro cho thai nhi.
- Hiện nay, các bạn nữ được khuyến khích thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi, sau khi đã có quan hệ tình dục. Xét nghiệm Pap smear là xét nghiệm dễ thực hiện giúp phát hiện tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, giúp việc điều trị được nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Những lưu ý khi đi khám phụ khoa
Để việc khám phụ khoa được thuận tiện, chị em cần lưu ý thời điểm khám phụ khoa chuẩn nhất là sau khi sạch kinh nguyệt từ 3 đến 5 ngày. Chị em không nên khám phụ khoa vào 3 thời điểm sau:
- KHÔNG khám vào ngày hành kinh vì khó quan sát và lấy mẫu bệnh phẩm
- KHÔNG đặt thuốc vào âm đạo trước ngày khám phụ khoa.
- KHÔNG NÊN khám vào giai đoạn rụng trứng vì dịch âm đạo sinh lý ra nhiều dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.
- KHÔNG NÊN khám vào giai đoạn cuối của kỳ kinh nguyệt. Do lớp nội mạc tử cung lúc này rất dày để chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt mới nên sẽ khó đánh giá thành tử cung và lòng tử cung qua siêu âm.
Bên cạnh đó, chị em cũng cần chuẩn bị:
- Tâm lý thoải mái khi thăm khám. Tại các khu khám bệnh phụ sản đều có các nữ bác sĩ thăm khám, chính vì vậy hãy thoải mái tâm lý.
- Làm sạch vùng kín để việc thăm khám được dễ dàng
- Mặc trang phục quần rộng, thoải mái. Tránh mặc váy bó, quần bó.
Khám phụ khoa là cách để chị em tự bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, từ đó bảo vệ hạnh phúc gia đình. Bên cạnh các loại bệnh viêm nhiễm thông thường, có nhiều loại bệnh phụ khoa rất khó chữa và nguy hiểm như ung thư. Chính vì vậy khám phụ khoa là giải pháp duy nhất giúp chị em có được sự kiểm tra tổng thể về sức khỏe sinh lý tổng quát; giúp phát hiện những vấn đề tiềm ẩn thông qua những triệu chứng bất thường xảy ra tại khu vực vùng kín; giúp chữa trị kịp thời, đúng bệnh, đúng thuốc và ngăn chặn được những nguy cơ phát triển, lây lan cũng như biến chứng khôn lường của bệnh phụ khoa.