Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường mà nữ giới phải trải qua. Dựa vào tần suất và đặc điểm của kỳ kinh nguyệt mà chị em có thể phát hiện sớm những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là sự bong tróc ra hàng tháng của lớp niêm mạc tử cung (còn gọi là dạ con) ở người phụ nữ sau khi trứng rụng nhưng không được thụ tinh. Quá trình này sẽ gây chảy máu qua âm đạo, thường kéo dài khoảng 3-5 ngày và khác nhau ở mỗi người phụ nữ. Máu kinh gồm một phần là máu, một phần là mô niêm mạc tử cung (hay còn gọi là nội mạc tử cung) từ bên trong tử cung chảy qua cổ tử cung và được đẩy ra khỏi cơ thể qua âm đạo.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Chu kỳ ở mỗi người có thể khác nhau, nhưng quá trình là giống nhau.
Chu kỳ kinh nguyệt cung cấp một loại hóa chất quan trọng giữ cho cơ thể khỏe mạnh được gọi là hormone. Thời gian hành kinh cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thụ tinh, mang thai ở mỗi chu kỳ. Sự dao động của nồng độ hormone trong cơ thể có vai trò kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
-
Giai đoạn tăng sinh
Giai đoạn tăng sinh xảy ra song song giai đoạn hành kinh, được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc khi quá trình rụng trứng diễn ra: đây là giai đoạn phát triển của các nang trứng và dày lên của niêm mạc tử cung.
Đến ngày thứ 10-14, một trong những nang trứng đang phát triển đó sẽ trở thành trứng trưởng thành hành toàn (noãn). Khi các hormon trong cơ thể tiết ra đủ nồng độ và đúng thời điểm (thường là vào ngày thứ 14), sẽ kích thích lên tuyến yên tiết ra một hormon tên là LH – Luteinizing Hormone khiến nang trứng phóng noãn. Quá trình này được gọi là rụng trứng.
-
Giai đoạn chế tiết
Giai đoạn chế tiết kéo dài từ ngày 15 đến ngày 28 của chu kỳ kinh. Sau khi được giải phóng khỏi buồng trứng, trứng bắt đầu di chuyển đến ống dẫn trứng đợi tinh trùng. Nếu sự thụ tinh xảy ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ tiếp tục phát triển, tạo thành “cái nôi” cho thai làm tổ.
Nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc tử cung đó sẽ bị phá vỡ và bong ra, hình thành kinh nguyệt. Lúc này, chị em đôi khi có thể gặp những triệu chứng của tiền kinh nguyệt như ngực bị sưng đau, tâm trạng thất thường, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn, giảm ham muốn tình dục,…
-
Giai đoạn hành kinh
Giai đoạn này xảy ra khi trứng ở chu kỳ trước không được thụ tinh, tức là quá trình mang thai không diễn ra. Lúc này, lớp niêm mạc tử cung bị phá vỡ và bong ra, sau đó được đẩy ra khỏi cơ thể qua âm đạo, hình thành nên kinh nguyệt.
Ở giai đoạn này, chị em có thể gặp những triệu chứng như đau bụng kinh, đau lưng dưới, tức ngực, đau đầu, dễ cáu gắt, nóng giận… Thông thường một giai đoạn hành kinh kéo dài 3-5 ngày, tuy nhiên ở nhiều người giai đoạn này có thể ngắn hơn hoặc dài hơn 3-7 ngày vẫn bình thường, không đáng lo ngại.
Các triệu chứng có thể gặp trong chu kỳ kinh
Một số chị em có thể gặp những triệu chứng của kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên một số khác lại không. Ngoài ra, cường độ của các triệu chứng ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Triệu chứng phổ biến nhất là chuột rút ở vùng xương chậu do tử cung co bóp để đẩy lớp niêm mạc tử cung bong ra và đào thải ra khỏi cơ thể.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi hành kinh gồm:
- Tâm trạng thất thường;
- Khó ngủ, mất ngủ;
- Đau đầu;
- Thèm ăn;
- Bụng đầy hơi;
- Căng tức ngực;
- Nổi mụn.
Thế nào được xem là rối loạn kinh nguyệt?
Rối loạn kinh nguyệt là thuật ngữ dùng để mô tả những chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không bình thường, chẳng hạn như:
- Khoảng cách giữa các kỳ kinh nguyệt ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
- Chu kỳ kinh không đều, thay đổi từ 20 đến 40 ngày cho mỗi chu kỳ kinh.
- Không có kinh nguyệt trong vòng 3 tháng (hoặc hơn 90 ngày).
- Máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
- Giai đoạn hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
- Tình trạng chảy máu hoặc có đốm máu xuất hiện giữa các kỳ kinh.
- Có các triệu chứng nặng nề hơn như đau bụng dưới dữ dội, buồn nôn hoặc nôn.
Chu kỳ kinh nguyệt không bình thường có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Căng thẳng
- Đang mang thai hoặc cho con bú
- Tác dụng phụ của các loại thuốc tránh thai
- Tuổi tác ảnh hưởng đến phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản
- Rối loạn ăn uống, giảm cân đột ngột hoặc tập thể dục quá sức gây rối loạn kinh
- U xơ tử cung
- Suy buồng trứng
- Bệnh viêm vùng chậu (PID)
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp
- Có các u nhỏ hoặc bị dày lên của lớp niêm mạc tử cung
- Sẹo nặng (dính) của lớp niêm mạc của tử cung, một tình trạng gọi là hội chứng Asherman.
Chính vì thế, chị em nên thăm khám sản phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần hoặc thăm khám ngay khi nhận thấy cơ thể có những bất thường để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và hiệu quả, tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ
5 lợi ích của kỳ kinh nguyệt
Phòng bệnh
Các nghiên cứu cho thấy rằng kì kinh nguyệt hàng tháng cùng việc rụng trứng thường xuyên là quá trình cần thiết để phòng ngừa loãng xương, ung thư vú và bệnh tim. Đây là những bệnh rất nguy hiểm ở người.
Thanh lọc cơ thể
Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể sẽ giải phóng độc tố và vi khuẩn khỏi cơ quan sinh sản cũng như lượng sắt dư thừa làm giảm nguy cơ rối loạn tim mạch và bệnh tật.
Nhiều khoái cảm hơn
Theo bác sĩ phụ khoa Rebecca Booth – tác giả của quyển sách “Tuần lễ Venus: Khám phá bí mật của kỳ kinh nguyệt ở mọi lứa tuổi” – khi đến chu kỳ, mức testosterone tăng lên và điều này làm tăng ham muốn tình dục của bạn và cho phép bạn đạt khoái cảm nhanh hơn.
Ít bị sưng hơn
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy rằng cơ thể ít bị sưng trong thời kỳ kinh nguyệt. Bác sĩ Booth cho rằng sự giảm nồng độ progesterone trong cơ thể gây ra tình trạng giữ nước và dẫn đến quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra nhanh hơn.
Làm chậm quá trình lão hóa
Một số chuyên gia y tế như Tiến sĩ Thomas Perls, một chuyên gia về tuổi thọ hàng đầu, tin rằng phụ nữ già chậm hơn so với nam giới nhờ kinh nguyệt gây ra tình trạng mất sắt trong cơ thể, và chính lượng sắt dư thừa đó là một trong những nguyên nhân gây ra lão hóa.
Mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tìm hiểu những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt để biết cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình.